Trong bối cảnh nguồn thu co hẹp, không ít doanh nghiệp dệt may lựa chọn giải pháp cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt hơn 7 tỷ USD trong quý 1, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu tháng 4 được công bố mới đây tiếp tục thấy dấu hiệu chưa mấy tích cực, trị giá xuất khẩu chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, không ngoại trừ mặt hàng dệt may.
Thời gian tới, nhiều dự báo cho rằng các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng cho các tháng còn lại trong quý 2.
Điển hình, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (mã: VGT) nhận định ngành dệt may sẽ đối diện nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga – Ukraina hay lạm phát cũng như tổng cầu giảm. Doanh nghiệp này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 giảm nửa so với cùng kỳ, còn vỏn vẹn 610 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của doanh nghiệp này cũng cho thấy những khó khăn. Doanh thu đạt 4.456 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 118 tỷ đồng; lần lượt giảm 14% và 69% so với cùng kỳ. Sau quý đầu năm, VGT mới chỉ hoàn thành được 19% kế hoạch lợi nhuận.
Có phần thận trọng hơn, ĐHĐCĐ CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, GIL) thông qua mục tiêu doanh thu 2023 giảm hơn nửa còn 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 104 tỷ đồng, giảm tới 71% so với cùng kỳ.
Quý đầu năm kinh doanh đã qua, song Gilimex vẫn phải đối diện nhiều sóng gió khi đơn hàng sụt giảm mạnh. BCTC hợp nhất quý 1/2023 cho biết, doanh thu giảm tới 89%, ghi nhận gần 157 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thậm chí còn lỗ tới 39 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 107 tỷ.
Mặt khác, CTCP May Sông Hồng (MSH) cũng lên kế hoạch tăng trưởng âm 2 chữ số. ĐHĐCĐ thường niên đã thống nhất mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2023 giảm 20% còn lại 350 tỷ đồng. Công ty cho biết, nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang chuyển dịch bất lợi, do đo, kế hoạch có phần khá khiêm tốn.
Tình hình sản xuất kinh doanh quý đầu năm đứng trước khó khăn về lượng đơn hàng sụt giảm và chi phí đầu vào tăng đã thể hiện trên các con số. Cụ thể, doanh thu giảm tới 51% còn 1.291 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 67% còn 27 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng CTCP Phong Phú (PPH) cũng đặt kế hoạch không mấy “khá khẩm” hơn với chỉ tiêu lãi sau thuế giảm tới 17% so với cùng kỳ, còn 397 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp dệt may khác là CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cũng đặt mục tiêu tăng trưởng âm trong năm 2023. Dù vừa trải qua một năm kinh doanh đầy hưng phấn khi đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục, TCM vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế “đi lùi” 2% còn 274 tỷ đồng, dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ trong cuộc họp tháng 6 tới.
Ngược chiều với hầu hết các doanh nghiệp trong ngành khác, bộ đôi CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cùng với Sợi Thế Kỷ (STK) lại đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận dương lần lượt 2% và 5% so với thực hiện 2022. Tuy vậy kết quả kinh doanh quý 1/2023 lại có phần trái chiều trong khi Sợi Thế Kỷ mới chỉ lãi vỏn vẹn 2 tỷ đồng, sụt giảm gần như hoàn toàn so với mức lãi 97 tỷ đồng quý 1/2022. TNG ghi nhận lãi tới 44 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.
CTCP Damsan (ADS) còn gây bất ngờ hơn khi đặt kế hoạch lãi trước thuế tăng trưởng 28% lên mức 110 tỷ đồng, đi ngược với hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Hiện tại, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp trong ngành là làm sao tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm và quan tâm bám sát khách hàng, thị trường để có các chính sách linh hoạt, kịp thời và phù hợp để có thể bước qua thời điểm khó khăn.
Post a Comment